Trong giai đoạn này, nếu đội lái cứ duy trì chuỗi giảm sàn của CP trong suốt thời gian phân phối thì giá của CP đó sẽ giảm rất nhanh và giá trị bán lượng CP giấy giá 0 đồng sẽ bị giảm theo. Để bán được hàng giấy ở mức giá cao nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, đội lái sẽ áp dụng chiêu thức đẩy lệnh mua đủ lớn trong phiên đóng cửa để đưa mức giá đóng cửa về mức tham chiếu hoặc mức giá trần. Với chiêu thức này, đội lái sẽ thu được những lợi ích sau:
Lợi ích của việc kéo giá đóng cửa.
Duy trì được mức giá đóng cửa của CP ở mức giá cao để phiên sau tiếp tục phân phối ở mức giá sàn nhưng giá vẫn cao hơn hoặc bằng mức giá sàn phiên trước đó.
Giăng bẫy ăn ngay 10% hay 20% trong phiên để dụ NĐT tham lam, thiếu hiểu biết thấy phiên sau có giá sàn là nhảy vào múc với hy vọng lãi lớn trong phiên.
Tạo cảm giác an toàn cho NĐT khi thấy CP tuy cả phiên giao dịch ở mức sàn với khối lượng lớn nhưng cuối phiên vẫn được đỡ giá. Và NĐT sẽ nghĩ rằng CP này có ngưỡng hỗ trợ rất cứng ở mức giá sàn, cứ về mức giá đó là lại bật lên; Nghĩ rằng CP có lái bảo kê ở mức giá hỗ trợ và sẽ lao vào múc ở những phiên sau đó khi CP đó tiếp tục phân phối giá sàn.
CHIÊU THỨC ĐĂNG KÝ MUA VÀO, BÁN RA KHỐI LƯỢNG LỚN CỦA BAN LÃNH ĐẠO ĐỂ LÀM GIÁ CỔ PHIẾU
Việc BLĐ hay các cổ đông lớn đăng ký mua vào hay bán ra CP với khối lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá CP trong ngắn hạn. Nếu là đăng ký mua thì thường giá CP sẽ tăng mạnh một vài phiên sau khi công bố đăng ký mua. Và ngược lại là giá CP sẽ giảm trong trường hợp đăng ký bán.
Trên TTCK, đa số việc mua vào hay bán ra của BLĐ hay cổ đông lớn đều là bình thường và diễn ra bình thường dựa trên nhu cầu mua bán thực sự của người đăng ký.
Nội dung chiêu thức
Đa số các lãnh đạo kiểu lái và đội lái đều có rất nhiều tài khoản vệ tinh. Vấn đề là có rất nhiều trường hợp khi CP chỉnh mạnh về mức đáy thì BLĐ hay cổ đông lớn (gọi chung là BLĐ) đăng ký mua vào hoặc khi CP tăng mạnh đến mức đỉnh thì BLĐ đăng ký bán ra. Vẫn biết là khi đăng ký mua vào khối lượng lớn thì sau khi công bố, giá CP sẽ tăng rất mạnh (nguyên nhân tăng là do cầu thực của một số NĐT non trẻ và do cầu ảo của lái), và việc mua vào theo thời gian sau đó sẽ bất lợi vì giá CP đã tăng mạnh. Trường hợp đăng ký bán ra cũng tương tự khi giá CP bị giảm mạnh.
Câu hỏi là tại sao bất lợi như vậy mà BLĐ vẫn làm, liệu BLĐ có đủ thông minh mà làm vậy không?
Thời gian đăng ký mua bán thực chất chỉ là vấn đề hợp thức hóa và để chuyển nhượng phần CP đã được mua gom từ trước ngày đăng ký với mức giá đẹp ở các tài khoản vệ tinh về tài khoản chính của BLĐ mà thôi. Đó chính là các giao dịch thỏa thuận. Chính vì vậy mà khi BLĐ đăng ký mua bán, bao giờ cũng gắn liền với phương thức mua bán bằng khớp lệnh và thỏa thuận chứ không bao giờ có chuyện phương thức mua bán chỉ có khớp lệnh mà không có thỏa thuận. Với kiểu mua bán này của BLĐ, mục đích chính chỉ có thể là BLĐ lướt sóng CP kiếm lời.
Khi BLĐ lên kế hoạch mua CP, thông thường họ sẽ liên kết với lái để đánh xuống CP đến mức đáy, sau đó họ dùng các TKVT để mua dần CP ở mức đáy. Giai đoạn gom hàng này của lái gọi là giai đoạn sideway tích lũy. Sau khi gom đủ lượng, BLĐ lập tức công bố thông tin đăng ký mua vào. Việc thỏa thuận để chuyển lượng CP gom giá rẻ từ các TKVT về tài khoản chính của BLĐ được thực hiện trong khoảng thời gian đã đăng ký. Tuy nhiên đa số BLĐ sẽ chỉ chuyển nhận nhượng một phần và sẽ thông báo là không mua đủ lượng CP đã đăng ký với lý do này nọ. Thực tế là một phần CP đã gom ở các TKVT sẽ được chốt lãi ở các phiên mà giá CP tăng mạnh do tin mua vào.
Việc đăng ký bán CP của BLĐ cũng có trình tự như việc mua nhưng ngược lại về xu hướng giá.
Tóm lại là chúng ta không thể biết được lượng CP thực tế mà BLĐ của các doanh nghiệp đang nắm giữ là bao nhiêu, tất cả chỉ là ảo mà thôi. Tỷ lệ nắm giữ được công bố trên các kênh thông tin đại chúng chỉ là cái vỏ, và khi mua vào chưa chắc số CP thực tế của họ sẽ tăng cũng như khi bán ra thì chưa chắc số CP của họ đã giảm. Tất cả chỉ là chiêu trò của BLĐ, của lái nhằm mục đích lừa đảo nhỏ lẻ để mưu lợi.
Nguồn: Sưu tầm.
Yorumlar