Có một bạn trẻ nói rằng: "Các anh làm nghề môi giới, cứ thần thánh hóa chứng khoán lên. Chứ em thấy chứng khoán có về 0, cũng chả ảnh hưởng mấy đến đời sống xã hội. Bọn em vẫn uống bia, vẫn đi làm bình thường". Quả thật, số lượng tài khoản chứng khoán hiện nay của VN là khoảng hơn 2.5 triệu, số người tham gia trực tiếp vào TTCK như vậy chỉ khoảng 2%. Có nghĩa là cứ 100 người, sẽ có 98 người chả quan tâm gì đến TTCK. TTCK mà sụp đổ, sẽ có một số tiếng vang lên: "Cho chít quân cờ bạc !".
Vậy có thực là TTCK sụp đổ, giá chứng khoán về 0, không ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội của người dân? Năm 2008 từ một đốm lửa nhỏ mang tên Lehman Brothers, đã làm TTCK toàn cầu giảm mạnh, trong đó có Việt Nam. Chứng khoán dù mất điểm, nhưng chỉ "tạm" mất giá khoảng 30-50%. Trong khi đó 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc làm, 50 triệu người quay trở lại chuẩn dưới nghèo. Đó là sự thật không thể phục hồi một sớm một chiều. Ngay cả khi TTCK đã tăng trở lại, đời sống nhân dân vẫn còn bị ảnh hưởng lâu hơn.
Tổng thống Mỹ có một công việc bắt buộc phải làm hàng ngày, là đọc báo cáo về diễn biến TTCK phố Wall. Hầu như toàn bộ các doanh nghiệp đại diện nền kinh tế Mỹ, đều được niêm yết trên sàn New York. Ở Việt Nam dù chưa phải là tất cả, nhưng cũng đã lên đến 70% doanh nghiệp chủ chốt đã được niêm yết. Tất cả các biến động về giá của các mã chứng khoán, sẽ ảnh hưởng tức khắc đến hoạt động doanh nghiệp.
Giá thanh long, dưa hấu bị giảm, người ta thương cảm, sẵn sàng "giải cứu" ngay. Nhưng giá TTCK giảm sốc, chưa chắc đã có mấy người đau xót, chưa chắc đã có mấy người lo lắng. TTCK không cần giải cứu kiểu "tôm hùm", nhưng Chứng khoán và Kinh tế - Xã hội là "bình thông nhau". Khi gặp biến động tiêu cực, Chính phủ sẽ phải ra những quyết sách để ứng phó.
Cứ hình dung để "xâm chiếm" một đất nước, người ta phải bỏ ra hàng trăm tỷ dollar, mua vũ khí, huy động lực lượng chiến đấu. Nhưng giả sử trong trường hợp giá TTCK đồng loạt giảm quá sâu, dưới giá trị tài sản, tiềm năng của cả một đất nước. Nếu khi đó có một "thế lực đen" nào đó, chỉ cần bỏ ra 100 tỷ dollar, là có thể thao túng cả một xã hội, chiếm đóng cả một đất nước. Vì lòng yêu nước, người ta có thể hy sinh xương máu, ra trận bắn nhau thật. Nhưng để bảo vệ trên trận chiến kinh tế, họ lại sẵn sàng "rụt cổ", trốn chạy.
Vận nước lên, TTCK lên. TTCK sụp đổ, nước sẽ mất, nhà sẽ tan. Đó là chân lý. Chúng ta không cần sự hô hào nào hết, nhưng nên có trách nhiệm với chính mình và xã hội. Tất nhiên khi xảy ra suy thoái, khủng hoảng, cần tỉnh táo để định giá lại các tài sản và lợi nhuận tương lai của các doanh nghiệp. Điều này sẽ tương ứng với giá cổ phiếu và chỉ số. Tuy vậy, một khi giá trị bị giảm giá quá sâu, thì cơ hội sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu biết tận dụng, đời sống của mỗi chúng ta, sẽ tươi sáng. Nguồn: Sưu tầm.
Comments