Trong đầu tư tài chính nói chung, đầu tư chứng khoán nói riêng, tỷ suất lợi nhuận là yếu tố rất quan trọng. High risk - high return, cái gì càng có tính ổn định cao, thì không thể có hiệu quả cao được. Gửi tiết kiệm tối đa chỉ được 8%/năm (Tháng 11/2020), rủi ro gần như bằng 0, chu kỳ ổn định, có thể kéo dài 5 - 10 năm. Nếu chiết khấu lạm phát, thì hình thức đầu tư bằng cách "Nhờ" ngân hàng giữ hộ, cũng kiếm được 3% - 4%, vẫn là thực dương. Mua trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn, khoảng 12%/năm. Nhưng bắt đầu có lo ngại rủi ro doanh nghiệp "biến mất" hoặc không trả. Chu kỳ cũng ngắn hơn. Mua vàng có vẻ thích nhất, muôn đời không hỏng (nhìn trong quá khứ giá vàng). Nhưng cũng có chút e ngại vì chả biết giữ ở đâu. Lại còn "ghét" chuyện chênh giá mua bán quá lớn. Tuy vậy, có những lúc vàng cho tỷ suất lợi nhuận khá cao, 40%/ năm như thời kỳ vừa qua. Giữ "đô la" là tệ nhất. Mua bán thì dấm dúi, mà lãi thì bèo bọt.
Có câu nói "Người đông thêm chứ đất có nở ra đâu". Những nước như Việt Nam, đa phần là tầng lớp bần nông đi lên, ruộng vườn đất đai lại càng được quý trọng. Rất nhiều người "phất" lên từ đất. Ở nước ngoài kinh doanh bất động sản cũng giàu nhanh chóng, nhưng phải có tư duy, tầm nhìn và "chất xám" cộng vào. Như Donal Trump đã từng thắng lớn nhờ mua khu đất nhà ga đường sắt cũ và mua tòa Trump tower. Còn ở Việt Nam đầu tư bất động sản lại khác. Thường sốt theo cơn, không cần chất xám lắm, chỉ cần mua theo bầy đàn, kiểu gì cũng ăn. Nhưng khi nhà đất trở thành phong trào, kiếm bắt đầu khó hơn. Có thể bị "ngộp" hoặc lãi quá ít.
Trong các môn đầu tư, chứng khoán là cao cấp nhất. Nó có thể mang lại lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Trước khi bước chân vào lĩnh vực này, chúng ta nên hiểu và xác định rõ sự nghiệt ngã của nó trong từng giai đoạn. Chính vì có nhiều lúc khắc nghiệt và rủi ro, trong những thời kỳ "tươi sáng", phải đặt mục tiêu lợi nhuận thật cao. Chúng ta là những NĐT nhỏ lẻ, không phải là Quỹ hay tổ chức tài chính. Các Quỹ họ raise fund từ khắp thế giới, chỉ cần đảm bảo một lãi suất nào đó hàng năm, chủ yếu song hành với Vnindex, là họ có lương thưởng rồi. Còn NĐT cá nhân làm cho chính bản thân, luôn phòng vệ cho những năm "giáp hạt". Đã vào xu hướng, phải ăn cho tới.
Ước muốn "nhanh giàu" trong chứng khoán chả có gì xấu cả. Cái hay của thị trường tài chính hay chứng khoán là sử dụng Margin. Luôn nên dùng đòn bẩy một cách hợp lý. Chỉ khi dùng margin, thậm chí có lúc nên dùng tỷ lệ rất cao (3:7), thì mới có thể tối ưu hóa lợi nhuận được. Đừng nghe ai đó khuyên bạn, hãy hài lòng với tỷ suất 2 lần gửi tiết kiệm (đối với người thích rủi ro). Không giới hạn bất kỳ tỷ lệ nào. Quan trọng nhất là vận động theo sóng, theo chu kỳ.
Chứng khoán đòi hỏi tri thức, đòi hỏi ý chí và bản lĩnh. Ở đây không chấp nhận sự nhạt nhòa, sống mòn. Lúc bão tố thì đừng mong an toàn, 1%/năm cũng là xa xỉ. Nhưng khi gió lên, hãy căng buồm ra khơi, "chăm phần chăm" cũng chỉ là chuyện nhỏ. Học hỏi, rèn luyện liên tục, nâng tầm bản thân, chỉ có như vậy mới có thể mang lại thành công.
Nguồn: Sưu tầm.
Comments