4. Thoát lệnh sớm.
Đây là căn bệnh phổ biến thường gây bức xúc cho bạn, mặc dù lúc đó giao dịch của bạn có lãi. Thói quen thoát lệnh sớm mỗi khi giá khựng lại hay điều chỉnh nhẹ làm giảm cơ hội phục hồi tài khoản của bạn. Khi không đu sóng được, bạn không có tiền lãi để “sửa sai” các thua lỗ trước đó chứ chưa nói đến lợi nhuận.
Nguyên nhân:
Về mặt kỹ thuật, bạn ưa bắt đáy đoán đỉnh hoặc thường xuyên lướt ngắn trong vùng phi hướng nên không nhận biết lúc con sóng chính đã bắt đầu (si). Bạn cũng có thể thua vài lệnh trước đó, mong chờ có lệnh thắng để bớt áp lực tâm lý hoặc lo sợ mất phần lãi đang có trước sự dao động của thị trường (sân).
Giải pháp:
Lợi nhuận chủ yếu trong giao dịch là do khả năng đu bám sóng mang lại. Thế nên, thay vì sa đà vào bắt đáy hay lướt nhanh, bạn hãy chủ động chờ đợi các con sóng chính và ước định khoảng chạy của chúng. Khi chấp nhận giữ lệnh dài, bạn nên thực tập quan sát các ý nghĩ cảm xúc xuất hiện trong tâm mình trước sự rung lắc của các đợt sóng hồi. Mặt khác, bạn cũng nên chiêm nghiệm rõ ràng nguyên nhân của các thua lỗ trước đó để chúng không thôi thúc bạn phá vỡ kế hoạch giao dịch của mình. Về mặt nhận thức, bạn cũng cần thấy rằng bệnh thoát lệnh sớm cũng là một dạng “tổn thất” về tài chính.
5. Giao dịch khi tín hiệu yếu.
Căn bệnh này thường bào mòn tài khoản của bạn, rất dễ kéo bạn vào vòng xoáy giao dịch quá độ. Khi giao dịch với tín hiệu yếu thì bạn không có được sự ủng hộ của nhà cái hay đám đông nên lợi nhuận (nếu có) sẽ thấp và dễ thua lỗ.
Nguyên nhân:
Có thể bạn đang mất kiên nhẫn sau một vài thua lỗ (sân) nên muốn gỡ nhanh. Bạn cũng có thể đang trong đà thắng đâm ra chủ quan muốn kiếm thêm (tham) hay bạn đang buồn chán muốn đi tìm một việc gì đó để làm (si).
Giải pháp:
Về mặt kỹ thuật, bạn nên chú trọng phần chuẩn bị đồ thị, phân biệt cấp độ sóng muốn giao dịch và lưu tâm đến độ mạnh tín hiệu giao dịch cần thiết tương ứng. Cùng với đó, bạn cần phát hiện ra loại ảo tưởng nào đang lôi kéo bạn trong mỗi tình huống cụ thể. Ngoài ra, bạn không nên giữ “men chiến thắng” trong người bằng cách rút tiền ra khỏi tài khoản mỗi khi vượt ngưỡng khinh suất, đồng thời chủ động hướng tâm sang một công việc khác.
6. Do dự khi vào lệnh.
Căn bệnh này thường xuất hiện khi bạn đứng trước một cơ hội thị trường hoặc ngay cả khi diễn biến thị trường xảy ra như dự kiến nhưng tâm bạn trở nên phân vân nghi hoặc. Nó thường dẫn đến lỡ sóng hay đuổi giá.
Nguyên nhân:
Bạn thiếu tự tin vào khả năng quan sát và cảm nhận thị trường của mình hoặc do thường tham khảo nhiều thông tin bên ngoài (si). Bạn có thể đang giao dịch với khối lượng cao hơn mức bình thường nên sợ bị sai hoặc bạn vừa trải qua một đợt thua lỗ trước đó (sân).
Giải pháp:
Cần bổ sung kiến thức chuyên môn, quan sát thực tế thị trường nhiều hơn và tập trung vào kế hoạch giao dịch của mình. Ngoài ra, bạn có thể giao dịch với khối lượng nhỏ lại để tâm lýthoải mái hơn. Về mặt nhận thức, hãy nhớ lời G. Soros :“ Đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”. Thực tập chánh niệm để thấy ra các ý nghĩ trong tâm trí lúc đó và các phản ứng né tránh, sợ hãi của tâm sân.
7. Giao dịch quá nhiều lệnh hoặc dùng lệnh quá lớn.
Giao dịch cùng lúc nhiều lệnh vượt quá qui định hay dùng lệnh quá lớn có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm tài khoản nghiêm trọng làm bạn không còn kiểm soát được hành động của mình. (Ở đây không bàn đến kỹ năng tố lệnh theo xu hướng.)
Nguyên nhân:
Khi bạn thắng liên tục, bạn muốn thắng nhiều hơn nữa (tham) và thấy mức lãi hiện tại không còn hấp dẫn. Bạn trở nên khinh suất và giao dịch quá lớn trong khi nội tâm bạn chưa đủ vững vàng cần thiết để đối diện với rủi ro lớn như vậy. Có thể do bạn đang thua nhiều nên muốn nhanh gỡ gạc (sân). Cũng có thể bạn đang phải chịu sức ép kiếm tiền cho sinh hoạt hàng ngày nên mất kiên nhẫn.
Giải pháp:
Nếu đang thắng nhiều thì bạn cần rút tiền ra, giảm tài khoản về ngưỡng thuần thục để lấy lại cân bằng cảm xúc. Bạn cần chú tâm quan sát trạng thái hưng phấn này. Nếu do thua mà gỡ gạc, bạn cần chiêm nghiệm lại ý nghĩ “phục thù” trong tâm trí bạn; đó là ý muốn hủy diệt của tâm sân. Lưu ý là khi tài khoản sụt giảm 50% thì rất dễ dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và bạn sẽ “đánh bạc” bằng phần vốn còn lại. Còn nếu bạn phải chịu sức ép kiếm tiền cho sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên dừng lại, bởi bạn đã không xem xét kỹ điều kiện hoàn cảnh của mình trước khi chọn nghề này.
8. Nhồi lệnh khi vị thế đang lỗ.
Căn bệnh này còn gọi là “bình quân giá” rất nguy hiểm vì nó có thể làm gia tăng nhanh chóng khoản lỗ của bạn, dẫn đến mất kiểm soát hoặc mắc kẹt do khoản lỗ đã trở lên quá lớn.
Nguyên nhân:
Có thể là bạn bắt đáy đang bị âm và bực bội bắt tiếp với hy vọng thị trường sẽ đảo chiều (sân). Hoặc bạn tưởng là có một “cơ hội tốt” (si) và muốn khai thác tối đa nó (tham) nên không nhận ra mình đã phán đoán sai và tiếp tục vào lệnh. Từ sự dính mắc vào quan điểm “phải đúng”, bạn sẽ tiếp tục gây “lớn chuyện” cho đến khi nỗi đau mất tiền lớn hơn nỗi đau thừa nhận sai lầm.
Giải pháp:
Bạn nên ghi nhớ các nguyên tắc như chờ đợi tín hiệu đủ mạnh và chỉ nhồi lệnh nếu lệnh trước đó đã có lãi. Nếu vào lệnh sớm một chút mà xác suất đúng không cao thì ít có ý nghĩa. Cần chú tâm quan sát thái độ muốn “xí xóa” lệnh đang lỗ hoặc vọng tưởng đến một khoản lãi lớn nào đó. Bạn cũng cần thấy ra sự trói buộc của tâm trí vào một quan điểm nào đó sẽ làm che mờ thị trường trước mặt ra sao; theo dõi các ý nghĩ lao xao trong đầu bạn khi càng thêm lệnh càng tăng lỗ.
Nguồn: Tổng hợp từ Đạo trading.
Comments