top of page
Writer's pictureHello nguyen

VÌ SAO PHẢI QUẢN TRỊ RỦI RO?

Updated: Dec 1, 2023

Khi mà kiến thức phổ thông về tài chính hiện nay dễ kiếm và rẻ như rau, thì mọi người ai ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư, ai ai cũng mơ ước để có thể chuyển đổi công việc, trở thành nhà đầu tư kiệt xuất thì cũng là lúc mà các nhà đầu tư chứng khoán non trẻ này dễ bị tổn thương và thất bại nhất.

Bài học chứng khoán quý giá đầu tiên khi chúng ta học trên thị trường chứng khoán có lẽ là bài học dừng lỗ, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra giá trị của nó ngay từ đầu, thường là phải sau khoảng 3 năm giao dịch nhà đầu tư mới có thể ý thức được tầm quan trọng của QUẢN TRỊ RỦI RO.


Các nghiên cứu liên quan cho thấy, để đảm bảo thành công chúng ta phải có một hệ thống kiểm soát tốt khi đầu tư chứng khoán, có tới 69% thua lỗ liên quan tới hệ thống kiểm soát rủi ro, chứ đừng nói là bao nhiêu % thua lỗ liên quan tới việc không có hệ thống kiểm soát rủi ro.

Việc quản trị rủi ro không chỉ là việc của các công ty tài chính hay các quỹ đầu tư khổng lồ. Ngày nay mỗi biến động thị trường trái chiều đều dẫn tới tổn thất cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay các ông lớn là như nhau. Các ông lớn đương nhiên có hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ, còn các nhà đầu tư cá nhân thường coi thường việc này. Họ cho rằng không cần thiết và như vậy thì biết ngày nào mới có lãi lớn, bao giờ mới giàu được, tâm lý giàu xổi ăn ngay trên thị trường tài chính trong nhóm đầu tư nhỏ lẻ rất phổ biến.

Trò chơi nào cũng có luật của nó, trước khi tham gia bất kỳ việc gì có lẽ quan trọng nhất là việc tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu và phương pháp làm việc để đạt được hiệu quả cao.

Có một điều ít người ngộ ra được là ngay từ đầu chúng ta phải có chiến thắng dù là rất nhỏ, bởi chiến thắng ngày hôm nay sẽ đặt nền tảng cho những thành công mai sau. Giao dịch chứng khoán để có thành công nhỏ gần như ai cũng làm được nếu họ có công thức đầu tư đúng đắn tuy nhiên hầu hết mọi người đều không đi tìm công thức đầu tư và thỏa mãn với thành công nhỏ những ngày đầu. Họ buông tiền vào các cuộc phiêu lưu, bỏ qua công thức giao dịch và khát khao những thành công đổi đời. Như vậy tất nhiên là số người đạt được rất ít và nếu có đạt được chủ yếu là do may mắn.

  • Quy trình quản trị rủi ro

Việc quan trọng nhất trong quản trị rủi ro là phải xây dựng được quy trình quản lý rủi ro. Thông thường, quản lý rủi ro được chia thành 5 bước.

Bước 1: Nhận dạng rủi ro.

Đây là bước đầu tiên nhằm tìm hiểu cặn kẽ về bản chất của rủi ro. Cách đơn giản và trực tiếp nhất là liệt kê từng nhân tố và các biến cố có thể gây ra rủi ro.

Cách làm rõ bản chất của rủi ro là:

+ Thứ nhất: Nhận dạng những tác nhân kinh tế có thể gây ra rủi ro, ví dụ yếu tố lãi suất, lạm phát, tỷ giá hối đoái, tăng trưởng kinh tế…

+ Thứ hai: Tìm hiểu xem chiều hướng có thể gây ra rủi ro, ví dụ việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi sẽ suất tác động đến giá cả chứng khoán như thế nào?

+ Thứ ba: Kiểm tra lại xem biểu hiện rủi ro đang phân tích có phụ thuộc vào biến cố nào khác hay không, chẳng hạn công ty có biểu hiện rủi ro trong trường hợp không được tín nhiệm của khách hàng, …

Bước 2: Ước tính, định lượng rủi ro.

Bước này sẽ đo lường mức độ phản ứng của công ty đối với các nguồn gốc rủi ro đã xác định ở trên. Cụ thể, dùng một phương pháp giả định nếu có nhân tố rủi ro thì công ty được gì và mất gì.

Bưóc 3: Đánh giá tác động của rủi ro.

Để đánh giá rủi ro người ta thường làm bài toán chi phí và lợi tức. Đôi khi, việc quản lý rủi ro tiêu tốn nhiều nguồn lực của công ty như tiền bạc và thời gian, do đó cần phải cân nhắc xem liệu việc quản lý rủi ro như vậy có thực sự đem lại lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra để thực hiện nó hay không.

Bước 4: Đánh giá năng lực của người thực hiện chương trình bảo hiểm rủi ro.

Để quản lý rủi ro có hai chiến lược:

+ Thứ nhất: Dựa vào một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, thuê họ thiết kế một giải pháp quản lý rủi ro cụ thể, thích hợp với chiến lược quản lý của công ty.

+ Thứ hai: Tự công ty đứng ra thực hiện phòng chống rủi ro bằng cách sử dụng các công cụ CK phái sinh như chứng quyền, chứng khế, quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai… đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân viên của công ty có khả năng lập và thực hiện hàng rào chống rủi ro. Vấn đề này đòi hỏi nhân viên công ty vừa phải thiết kế đúng lại vừa phải thực hiện tốt chương trình phòng chống rủi ro bởi quản lý rủi ro cần phải được theo dõi thường xuyên và điều chỉnh kịp thời với sự biến đổi của thời gian.

Bước 5: Lựa chọn công cụ và quản lý rủi ro thích hợp.

Đây là bước mấu chốt cuối cùng trong việc xây dựng chiến lược quản lý rui ro. Trong bước này nhà quản lý phải chọn một giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, đối với các công cụ trên thị trường hối đoái, người ta có thể sử dụng hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, swap… làm công cụ phòng chống rủi ro, công cụ này có ưu điểm là có tính thanh khoản cao và có hiệu quả về giá. Tuy nhiên, công cụ này không linh động, không khắc phục được rủi ro cố hữu mà chi phí theo dõi lại khá tốn kém.

  • Một số điều cần ghi nhớ về quản trị rủi ro.

+ Tip 1: Hệ thống giao dịch nào có công thức quản trị rủi ro đấy.

Mỗi hệ thống có 1 công thức quản trị rủi ro riêng. Phần lớn các nhà đầu tư sưu tầm các công thức quản trị rủi ro trên mạng hay qua các cuốn sách trăm ngàn mà ai cũng mua được trên vỉa hè, nghiên cứu nghiền ngẫm, áp dụng và thất bại. Mọi người chưa thấm nhuần câu nói “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Tất cả các cuốn sách đều không nói đến: bí kíp quản trị rủi ro nào thì đi với hệ thống giao dịch nào, chứ chưa nói đến là chúng ta đang giao dịch theo công thức nào.

+ Tip 2: Phân bổ vốn đầu tư hợp lý.

Bước đầu tiên của việc quản trị rủi ro. Thực tế câu chuyện trên cũng là 1 trường hợp hết sức điển hình của rất nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu lãi thì bỏ vốn ít mà cổ phiếu lỗ thì lại trót bỏ vốn nhiều. Cho nên dù cả thị trường vẫn tăng trưởng tốt, nhưng bản thân lại không kiếm được lợi nhuận.

Tất nhiên việc phân bổ vốn hợp lí không chỉ đơn giản là chia đều vốn cho số cổ phiếu kiểu như bạn có 10 tỉ, đầu tư 10 cổ phiếu thì bỏ vào mỗi cổ phiếu 1 tỉ. Tôi sẽ nói rõ hơn việc phân bổ như thế nào trong 1 bài chi tiết hơn. Ngoài ra không nên bỏ hết tiền của mình vào 1 - 2 cổ phiếu. “Không bỏ hết trứng vào cùng 1 rổ”- điều đó luôn cần thiết trên thị trường chứng khoán, nhất là với các nhà đầu tư mới. Nhưng cũng đừng đầu tư dàn trải quá nhiều cổ phiếu. Mức hợp lý ở đây là từ 4 - 5 cổ phiếu trong danh mục đầu tư.

+ Tip 3: Không bao giờ để mất tiền.

Không cần biết hệ thống quản trị của bạn ra sao, bạn cần cân nhắc cắt lỗ khi lệnh giao dịch của bạn lỗ trên 20%. Không cần biết tình hình thị trường thế nào khi tới ngưỡng này bạn nên cắt lỗ kể cả khi hệ thống giao dịch của bạn báo những điều tươi sáng ở ngày mai.

+ Tip 4: Không bao giờ đổ lỗi cho thị trường

Nhìn nhận sai lầm bản thân và đừng đổ lỗi cho thị trường. Thị trường luôn lên xuống dường như khó lường, bất kỳ một vấn đề nhỏ nào đó của nền kinh tế cũng có thể làm cho thị trường chao đảo. Mỗi khi thua lỗ chúng ta có thói quen không tự kiểm điểm lại các sai lầm của mình mà đơn giản là đổ lỗi cho thị trường, làm như vậy chúng ta không trưởng thành lên và nhất là không rút được các kinh nghiệm sai lầm để sau này chúng ta không mắc phải.

+ Tip 5: Hãy luôn mở to mắt ra và cảnh giác, luôn minh bạch với bản thân.

Hãy minh bạch với bản thân. Trong trường hợp này chúng ta sẽ dễ dàng sửa sai và để dành tiền cho trận đánh kế tiếp, tuy nhiên hầu hết nhà đầu tư không hành xử như vậy, họ cáu giận và đổ lỗi, đổ lỗi cho môi giới đã nhận định sai về thị trường, đổ lỗi cho bạn đã cung cấp thông tin không chính xác, đổ lỗi cho Trung Quốc đã kéo dàn khoan vào lúc thị trường đang lên. Ai cũng có tâm lý này, mỗi khi có tâm lý này các bạn hãy tụng câu thần chú “trăm sự tại ta nghìn sự tại ta 9 lần” rồi ta sẽ giải quyết được sự cố .

+ Tip 6: Luôn giao dịch theo 1 hệ thống có công thức giao dịch rõ ràng và quan trọng nhất là công thức này phải có công thức quản trị rủi ro đi kèm.

Hãy giao dịch theo hệ thống. Trước tiên chúng ta nên bỏ ý nghĩ là ta sẽ tự tạo ra một công thức giao dịch chiến thắng thị trường bằng kinh nghiệm cá nhân. Hỡi ôi đó không phải việc làm thông minh. Chúng ta chỉ cần bỏ ra chút bạc lẻ tìm đúng thầy là ta đã sở hữu vài ba công thức kinh điển và hiệu quả, các bạn nên nhớ công thức chuẩn luôn luôn có hệ thống kiểm soát rủi ro.

+ Tip 7: Luôn chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận thua lỗ.

Nhà đầu tư thường có thói quen suy nghĩ về mức độ lợi nhuận cũng như mục tiêu giá dự kiến khi mua một cổ phiếu. Trên quan điểm quản trị rủi ro, đây là một thói quen xấu. Nó dễ khiến chúng ta dễ bị bất ngờ nếu như thị trường biến động không như dự kiến ban đầu.Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu suy nghĩ đến ngưỡng cắt lỗ ngay khi mua một cổ phiếu để đảm bảo rằng chúng ta có thể luôn sẵn sàng trong những tình huống bất ngờ.

+ Tip 8: Khối lượng giao dịch là yếu tố không thể bỏ qua.

Giá và khối lượng biến động cùng chiều thì xu hướng sẽ được duy trì tốt và mạnh mẽ. Nếu sự nghịch biến xảy ra thì xu hướng hiện hành sẽ bị đảo ngược. Vì vậy, trong quản trị rủi ro giao dịch cần chú ý đến khối lượng của thị trường vì một sự sụt giảm và gia tăng mạnh của khối lượng có thể là dấu hiệu báo trước cho những biến động mạnh trên thị trường.

+ Tip 9: Hạn chế mua bình quân giá xuống.

Chiến lược bình quân giá xuống thường chỉ được áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức có nguồn lực tài chính mạnh và số lượng cổ phiếu dự tính mua lớn nên cần thời gian giải ngân tương đối dài. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này cho nhà đầu tư cá nhân thì sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn vì đối tượng này có tiềm lực tài chính yếu hơn và thời gian giải ngân ngắn hơn. Thực tế chứng minh chiến lược bình quân giá xuống ít khi phát huy tác dụng.

Nguồn: Tổng hợp.

1 view0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page