Giá trị sổ sách là cách định lượng giá trị của một doanh nghiệp tính theo giá trị tài sản từ báo cáo tài chính. Định giá cổ phiếu theo giá trị sổ sách cũng là cách mà nhiều nhà đầu tư áp dụng.
1.Giá trị sổ sách (BV) là gì?
Giá trị sổ sách (Book Value) được coi là giá trị của một doanh nghiệp xét theo giá trị toàn bộ tài sản (không bao gồm tài sản vô hình) của doanh nghiệp trừ các khoản nợ phải trả. Theo ý nghĩa khác là số tiền mà cổ đông nhận được trong trường hợp công ty bị phá sản, phải thanh lý tài sản và chi trả các khoản nợ.
Công thức tính
BV = Tổng tài sản (không bao gồm tài sản vô hình) – Tổng nợ = (Tài sản ngắn han + Tài sản dài hạn – Tài sản vô hình) – (Nợ dài hạn + Nợ ngắn hạn) = Vốn chủ sở hữu – Tài sản vô hình – Tổng nợ
Từ báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, người đọc có thể tìm được giá trị tổng tài sản và nợ phải trả hay vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán.
Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu (BVPS) là gì?
Giá trị sổ sách của một cổ phiếu (Book value per Share) được xác định theo phần giá trị sổ sách tính trên một cổ phiếu đang lưu hành.
2.Chỉ số P/B là gì?
Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu là biến số để tính toán chỉ số P/B (Price to book ratio). Chỉ số P/B được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Chỉ số này nhằm so sánh giá trị của một cổ phiếu trên thị trường so với giá trị sổ sách.
Công thức tính
P/B = Thị giá cổ phiếu/Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu = Vốn hóa cổ phiếu/Giá trị sổ sách
Vốn hóa thị trường của một cổ phiếu là tổng giá trị thị trường của số cổ phiếu đang lưu hành.
3.Phân tích giá trị cổ phiếu theo P/B
Chỉ số P/B được nhiều nhà đầu tư áp dụng để định giá một cổ phiếu. P/B cao thể hiện kỳ vọng vào cổ phiếu đang tốt, tuy nhiên cổ phiếu có thể đang định giá ở mức cao. Giá trị P/B thấp thể hiện kỳ vọng vào cổ phiếu đang thấp, tuy nhiên có thể cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thực.
P/B > 1, giá trị cổ phiếu trên thị trường lớn hơn giá trị sổ sách.
P/B = 1, giá trị cổ phiếu trên thị trường tương đồng với giá trị sổ sách.
P/B < 1 , giá trị cổ phiếu trên thị trường thấp hơn với giá trị sổ sách.
Xét theo yếu tố định giá tài sản, giá trị P/B cao có thể hiểu rằng công ty đang nắm lợi thế về tài sản vô hình hoặc giá trị sổ sách của công ty ở mức thấp. Ngoài ra, P/B cao cũng có thể do doanh nghiệp sử dụng nợ vay nhiều, đây là điều chưa chắc tốt cho doanh nghiệp nhưng có thể đem lại nguồn vốn lớn hơn vào sản xuất kinh doanh.
Ngược lại, P/B thấp có thể do công ty sở hữu giá trị tài sản lớn hoặc có thể doanh nghiệp đang sử dụng ít nợ vay và chủ yếu dùng phần vồn chủ sở hữu để hình thành tài sản. Trường hợp dùng ít nợ vay giúp công ty có nền tảng tài chính vững mạnh. Dù vậy, có thể khiến doanh nghiệp không tối đa hóa được nguồn vốn.
Việc áp dụng P/B vào xem xét giá trị của một cổ phiếu có nhiều mặt hạn chế. Trong đó, P/B sẽ không phù với cổ phiếu của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tài sản vô hình. Kế đến, việc xác định giá trị sổ sách trong tính toán P/B có thể không đem lại chính xác do doanh nghiệp có chất lượng tài sản không tốt (tải sản ảo, các nghiệp vụ kế toán khai báo không chính xác với thực tế, …).
Ngoài P/B, nhà đầu tư nên sử dụng các phương pháp khác như P/E để định giá cổ phiếu. Với P/E, nhà đầu tư sẽ sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp để tính toán, điều này phần nào giúp phản ánh rõ hơn về năng lực trong tăng trưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo thị trường tài chính Việt Nam.
Comments