top of page
Writer's pictureHello nguyen

RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ?

Updated: Dec 1, 2023

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán được định nghĩa là sự dao động của lợi nhuận mong đợi. Sự dao động này mang chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực, đó có thể là sự sụt giảm, thua lỗ hoặc những biến động thất thường về mức sinh lời trong hoạt động đầu tư chứng khoán của bạn.


Do vậy, để đạt được tỷ lệ lợi nhuận cao trong đầu tư chứng khoán, vấn đề đặt ra là phải quản lý được mức rủi ro này.

+ Phân loại rủi ro:

1. Rủi ro hệ thống

Rủi ro hệ thống là rủi ro tác động đến toàn bộ hoặc hầu hết các chứng khoán. Sự bấp bênh của môi trường kinh tế nói chung như sự sụt giảm GDP, biến động lãi suất, tốc độ lạm phát thay đổi… là những minh chứng cho rủi ro hệ thống, những biến đổi này tác động đến sự dao động giá cả của các chứng khoán trên thị trường.

  • Rủi ro thị trường

Trong rủi ro hệ thống trước hết phải kể đến rủi ro thị trường. Rủi ro thị trường xuất hiện do phản ứng của các nhà đầu tư đối với các hiện tượng trên thị trường. Những sự sút giảm đầu tiên trên thị trường là nguyên nhân gây sợ hãi đối với các nhà đầu tư và họ sẽ cố gắng rút vốn. Phản ứng dây truyền này làm tăng số lượng bán, giá cả chứng khoán sẽ rơi xuống thấp so với giá trị cơ sở.

  • Rủi ro lãi suất

Tiếp đến là rủi ro lãi suất. Giá cả chứng khoán thay đổi do lãi suất thị trường dao động thất thường gọi là rủi ro lãi suất. Giữa lãi suất thị trường và giá cả chứng khoán có mối quan hệ tỷ lệ nghịch. Khi lãi suất thị trường tăng, người đầu tư có xu hướng bán chứng khoán để lấy tiền gửi vào ngân hàng dẫn đến giá chứng khoán giảm và ngược lại.

Ngoài hệ quả trực tiếp đối với giá chứng khoán, lãi suất còn ảnh hưởng gián tiếp đến giá cổ phiếu thường. Khi lãi suất tăng làm giá cổ phiếu giảm vì các nhà đầu cơ vay mua ký quỹ sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều công ty kinh doanh chứng khoán hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay thì với mức lãi suất tăng cũng làm cho chi phí vốn tăng.

  • Rủi ro sức mua

Một yếu tố rủi ro hệ thống khác không kém phần quan trọng là rủi ro sức mua. Rủi ro sức mua là tác động của lạm phát tới các khoản đầu tư. Lợi tức thực tế của chứng khoán đem lại là kết quả giữa lợi tức danh nghĩa sau khi khấu trừ đi lạm phát. Như vậy, khi có tình trạng lạm phát thì lợi tức thực thế giảm. Giải thích theo lý thuyết hiện tại hoá, một đồng lợi tức của hôm nay thì trong tương lai không còn giá trị một đồng do tác động của lạm phát.

2. Rủi ro không hệ thống

Rủi ro không hệ thống là rủi ro chỉ tác động đến một loại tài sản hoặc một nhóm tài sản, nghĩa là rủi ro này chỉ liên quan đến một loại chứng khoán cụ thể nào đó. Rủi ro không hệ thống bao gồm rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính. Do nguyên nhân của hai loại rủi ro trên đây là khác nhau vì vậy khi đánh giá các rủi ro không hệ thống thông thường đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện, gắn với các yếu tố về điều kiện kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp hoặc từng ngành.

  • Rủi ro kinh doanh

Trong quá trình kinh doanh, định mức thực tế không đạt được như theo kế hoạch gọi là rủi ro kinh doanh, chẳng hạn lợi nhuận trong năm tài chính thấp hơn mức dự kiến. Rủi ro kinh doanh được cấu thành bởi yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại trong công ty. Rủi ro nội tại phát sinh trong quá trình công ty hoạt động. Rủi ro bên ngoài bao gồm những tác động nằm ngoài sự kiểm soát của công ty làm ảnh hưởng đến tình trạng hoại động của công ty như chi phí tiền vay, thuế, chu kỳ kinh doanh…

  • Rủi ro tài chính

Rủi ro tài chính cũng là một loại rủi ro không hệ thống. Rủi ro tài chính liên quan đến đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác liên quan đến cơ cấu nợ của công ty. Sự xuất hiện các khoản nợ trong cấu trúc vốn sẽ tạo ra nghĩa vụ trả nợ trả lãi của công ty. Công ty phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ (gồm trả nợ ngân hàng và trả nợ trái phiếu) trước việc thanh toán cổ tức cho cổ đông. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả cổ phiếu công ty. Rủi ro tài chính có thể tránh được nếu công ty không vay nợ chút nào.


+ Rủi ro và hệ số Beta

Mô hình định giá tài sản - vốn (CAPM) chỉ ra rằng rủi ro của một chứng khoán cụ thể có thể được biểu diễn bằng hệ số Beta của nó.

Hệ số Beta cho biết xu hướng biến động của một loại chứng khoán so với toàn bộ thị trường.

  • Hệ số Beta = 1: có mức biến động của toàn bộ thị trường.

  • Hệ số Beta <1: có mức biến động nhỏ hơn mức biến động của thị trường.

  • Hệ số Beta >1: có mức biến động lên xuống cao hơn mức biến động của thị trường.

Nói cách khác hệ số Beta đo tính sự tương quan giữa mức sinh lời của một loại chứng khoán với mức sinh lời của toàn bộ thị trường.

Mức sinh lời kỳ vọng của một số loại chứng khoán có liên hệ tỷ lệ thuận với rủi ro của chứng khoán đó, do các nhà đầu tư chỉ chấp nhận rủi ro nếu họ nhận được một khoản thu nhập xứng đáng. Mô hình định giá tài sản – vốn chỉ ra rằng Beta chứ không phải độ lệch tiêu chuẩn là thước đo rủi ro thích hợp.

+ Xác định mức bù rủi ro

Một trong những phương pháp định lượng rủi ro và xác định doanh lợi yêu cầu là sử dụng mức lãi suất không rủi ro cộng với mức bù của từng loại rủi ro một. Đầu tiên, chúng ta xác định mức lãi suất không rủi ro (thông thường lãi suất tín phiếu Kho bạc được coi là lãi suất không rủi ro), sau đó xác định mức bù rủi ro cho mỗi thị trường. Tổng số rủi ro liên quan đến chứng khoán bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro không hệ thống. Trong đó, rủi ro không hệ thống có thể được loại trừ thông qua việc đa dạng hoá đầu tư, còn rủi ro hệ thống thì không thể loại trừ bằng cách đa dạng hoá.

Nguồn: Tổng hợp.

1 view0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page