Trong đầu tư chứng khoán có hai phương pháp phổ biến được sử dụng là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Phân tích cơ bản là phương pháp được đa số nhà đầu tư cá nhân biết đến nhiều nhất. Phương pháp này phân tích khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, năng lực của đội ngũ quản lý.
Phân tích cơ bản trả lời câu hỏi: “Tôi nên mua cổ phiếu nào” và phân tích kỹ thuật sẽ trả lời câu hỏi: Khi nào nên mua cổ phiếu này?”
1. Khái niệm về Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật – Technical Analysis (TA) là các phương pháp nghiên cứu, phân tích sự biến động của giá trong quá khứ và hiện tại dựa vào các biểu đồ nhằm mục đích dự báo các xu hướng giá trong tương lai (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).
PTKT có thể áp dụng trong nghiên cứu, phân tích giá các loại hàng hóa (vàng, dầu, cà phê, gạo,…), giá các loại cổ phiếu, tỷ giá các loại tiền tệ và các công cụ tài chính khác.
PTKT bao gồm các phương pháp phân tích riêng rẽ (Mô hình nến Nhật, phương pháp Fibonacci, sóng Elliott,…) hoặc tổng hợp các phương pháp lại với nhau.
PTKT có thể sử dụng các dạng biểu đồ khác nhau với các khoảng thời gian khác nhau.
PTKT CÓ THỂ ĐƯỢC TIẾP CẬN DỰA TRÊN CƠ SỞ 3 GIẢ ĐỊNH:
Giá phản ánh tất cả
Đây có thể xem là nền tảng của PTKT. Mọi lý thuyết, phân tích khác muốn được chấp nhận thì trước tiên phải hiểu và chấp nhận giả định này. Các nhà PTKT cho rằng bất cứ yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến giá như tâm lý, chính trị hay các yếu tố tài chính của doanh nghiệp, tổ chức… đều được phản ánh rõ trong giá thị trường. Do đó, có người cho rằng việc nghiên cứu biến động của giá là tất cả những gì ta cần và thực sự không thể phản đối lại ý kiến này.
Trên cơ sở nhận thức chung về việc giá phản ánh những biến động trong cung/cầu. Các nhà PTKT chỉ ra rằng khi giá tăng dù vì bất cứ lý do gì thì cầu phải vượt cung và thị trường tăng giá. Chúng ta cũng đều biết và đồng ý rằng động lực chính của cung và cầu là những yếu tố kinh tế căn bản, chúng làm hình thành nên thị trường giá lên hay thị trường giá xuống, còn đồ thị thì không tự nó làm cho thị trường dịch chuyển lên hay xuống. Đồ thị chỉ có thể phản ánh tình hình thị trường mà thôi.
Giá dịch chuyển theo xu thế chung.
Khái niệm về xu thế là khái niệm vô cùng quan trọng trong PTKT do đó cần hiểu kỹ về giả định này trước khi muốn tìm hiểu sâu thêm về nó. Mục đích của việc xác lập biểu đồ mô tả những biến động giá trên thị trường là nhằm xác định được sớm những xu thế giá, từ đó sẽ tham gia giao dịch trên cơ sở những xu thế này. Trên thực tế, những kỹ thuật ở đây đều mang tính lặp lại những xu thế giá có từ trước, tức là mục đích của PTKT là nhằm xác định sự lặp lại của những dạng biến động của giá đã xuất hiện trong quá khứ để có thể tận dụng kinh nghiệm và đưa ra những quyết định phù hợp.
Từ giả định này chúng ta còn có một hệ quả là “một xu thế giá đang vận động sẽ tiếp tục theo xu thế của nó và ít khi có đảo chiều”. Hệ quả này rút ra từ định luật 1 về sự vận động của Newton. Nhìn chung tất cả những nghiên cứu nhằm tiếp cận theo các xu thế đều nhằm để đi theo những xu thế giá hiện tại cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều.
Lịch sử luôn lặp lại:
Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật rất quan tâm đến tâm lý con người. Các mô hình trong phân tích kỹ thuật đã xuất hiện hàng trăm năm nay phản ảnh trạng thái tâm lý của nhà đầu tư tại một thời điểm nhất định, có thể là tích cực hay tiêu cực. Khi các mô hình đã được kiểm chứng trong quá khứ, người ta giả định rằng nó vẫn có hiệu quả trong tương lai. Thời đại thay đổi nhưng con người không thay đổi. Mọi người vẫn tự tin, bi quan, tích cực, hoảng loạn, lo sợ trên thị trường tài chính. Tương lai chính là hình bóng của quá khứ ở các hình thái khác nhau.
CÁC TRƯỜNG PHÁI VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Có rất nhiều trường phái và phương pháp PTKT khác nhau, nhưng sau đây là những trường phái, phương pháp thông dụng nhất:
Trường phái, phương pháp phân tích đồ thị nến Nhật (Candlestick Charting).
Trường phái, phương pháp phân tích nguyên lý sóng Elliott (Elliott Wave Theory).
Trường phái, phương pháp ứng dụng mô hình đảo chiều (Reversal) và mô hình tiếp tục (continues).
Trường phái, phương pháp Lý thuyết chu kỳ (Cycle Theory).
Trường phái, phương pháp phân tích lý thuyết Dow (Dow Theory)
Trường phái, phương pháp Lý thuyết Hiện tượng Delta (Delta Phenomenon).
Phương pháp ứng dụng xường xu hướng (Trendline Charting).
Phương pháp ứng dụng dãy số fibonacci (Fibonacci Series).
Phương pháp ứng dụng các hệ thống chỉ báo Phân tích kỹ thuật (Technical Indicator).
Phương pháp ứng dụng điểm Pivot (Pivot Point).
Phương pháp ứng dụng lý thuyết hộp darvas box của Nicolas Darvas
Phương pháp đầu tư CANSLIM của Ông William O’Neil
Phương pháp phân tích của Wyckoff – Wyckoff Analysis
Phương pháp phân tích giá và khối lượng VSA – Volume Spread Analysis
Và các trường phái khác…
2. Vai trò của Phân tích kỹ thuật
PTKT đóng vai trò là công cụ trợ giúp nhà đầu tư với 03 chức năng chính: báo động, xác thực và dự đoán.
Công cụ báo động:
PTKT cảnh báo sự xuyên phá các ngưỡng an toàn gồm hỗ trợ & kháng cự và thiết lập nên các ngưỡng an toàn mới hay nói cách khác là thiết lập mức giá mới thực sự thay vì dao động quanh một mức giá cũ. Đối với trader, việc nhận biết các dấu hiệu về sự thay đổi mức giá càng sớm sẽ giúp cho họ sớm có hành động mua vào hoặc bán ra kịp thời.
Công cụ xác nhận:
Mỗi phương pháp PTKT được sử dụng kết hợp với các phương pháp kỹ thuật khác hoặc các phương pháp phi kỹ thuật để xác nhận về xu thế của giá. Việc kết hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa các phương pháp kỹ thuật khác nhau giúp trader có được kết luận chính xác và tối ưu hơn.
Công cụ dự đoán:
Trader sử dụng các kết luận của PTKT để dự đoán giá tương lai với kỳ vọng về khả năng dự đoán tốt hơn. Tuy nhiên như trên đã nói, bản chất của PTKT không phải là dự báo tương lai mà là chỉ thị trạng thái thị trường trong quá khứ với một độ trễ; do đó nếu sử dụng như một công cụ dự đoán nhà đầu tư cần phải tính đến một xác suất an toàn và chấp nhận rủi ro khi dự đoán là không phù hợp. Không ai có thể nói trước tương lai chỉ bằng thông tin trong quá khứ. Tuy nhiên, nhờ có PTKT, khả năng đoán sai do đoán mò hoặc a dua theo đám đông sẽ được hạn chế rất nhiều.
So với phân tích cơ bản (PTCB), PTKT dễ tiếp cận hơn, dễ hiểu hơn và khi áp dụng cho thấy kết quả tức thời và hiệu quả hơn.
Khi sử dụng PTCB để đánh giá xu hướng giá, rất khó để dự báo giá sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu. Ngược lại khi sử dụng PTKT, chúng ta dễ dàng xác định được các mức cản trên hoặc cản dưới và dễ dàng xác định mục tiêu dừng lỗ hoặc chốt lời khi giao dịch.
Để ứng dụng PTCB trong xác định xu hướng giá, chúng ta phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, chúng ta phải có nguồn tin nhanh và chính xác, chúng ta phải phân tích và tổng hợp rất nhiều nguồn tư liệu. Trong khi đó, chúng ta chỉ cần một máy tính nối mạng Internet và một phần mềm có các ứng dụng PTKT là có thể giao dịch hiệu quả.
Khi càng am hiểu về PTKT thì mức độ chính xác trong phân tích sẽ càng cao. Nhưng, chúng ta cần phải kết hợp thêm các nguồn thông tin kinh tế tài chính liên quan (Phân tích cơ bản) để đưa ra quyết định cuối cùng trong giao dịch.
Khi phải chọn 01 trong 02 phương pháp PTKT và PTCB thì một sự lựa chọn hợp lý là PTKT. Bởi lẽ, PTKT bao hàm cả PTCB, PTKT là công cụ vận dụng trực giác để đưa ra những chiến lược đầu tư dựa trên những mô hình kỹ thuật đã được kiểm nghiệm.
Lưu ý: Khi ứng dụng PTKT, chúng ta nên phân tích trên nhiều biểu đồ với nhiều khoảng thời gian khác nhau. Quan trọng là các khung thời gian: 1 giờ (H1), 4 giờ (H4), ngày (Daily), tuần (Weekly) và tháng (Monthly).
Phân tích xu hướng ngắn hạn thì sử dụng các biểu đồ từ 4 giờ đến biểu đồ ngày.
Phân tích xu hướng trung hạn thì sử dụng biểu đồ ngày và biểu đồ tuần.
Phân tích xu hướng dài hạn thì sử dụng biểu đồ tháng đến biểu đồ năm.
3. Tính chất của Phân tích kỹ thuật
Trader khi sử dụng PTKT nên lưu ý một số tính chất sau:
Độ trễ: Khoảng thời gian từ lúc trạng thái thị trường đã xảy ra cho đến khi phép phân tích chỉ ra được trạng thái đó. Trong cùng 1 phương pháp phân tích, số phiên tính toán càng lớn thì độ trễ càng lớn. Trader càng ngắn hạn bao nhiêu thì càng mong muốn độ trễ nhỏ bấy nhiêu.
Độ nhạy: Sự kịp thời trong phản ánh các biến động của thị trường. Tính chất này ngược lại với độ trễ.
Độ chính xác: Tính ít sai sót trong phản ánh các biến động của thị trường. Tuy nhiên độ chính xác và độ nhạy lại đối nghịch với nhau.
Số phiên tính toán: số phiên lấy dữ liệu tính toán cho một giá trị của phân tích. Ví dụ về trung bình động với số phiên lấy dữ liệu là 5 phiên. Trader càng ngắn hạn bao nhiêu thì càng chọn số phiên tính toán càng nhỏ bấy nhiêu.
Nguồn: Tổng hợp.
Comments