top of page
Writer's pictureHello nguyen

4 CHỈ SỐ TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG

Updated: Nov 30, 2023

Chỉ số tài chính giúp nhà phân tích chỉ cần nhìn lướt qua các báo cáo tài chính cũng có thể tìm ra được xu hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như giúp nhà đầu tư, các chủ nợ kiểm tra được tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Có 4 loại chỉ số tài chính quan trọng:

1. Chỉ số thanh toán: Các chỉ số trong loại này được tính toán và sử dụng để quyết định xem liệu một doanh nghiệp nào đó có khả năng thanh toán các nghĩa vụ phải trả ngắn hạn hay không?

2. Chỉ số hoạt động: Các chỉ số hoạt động cho thấy doanh nghiệp hoạt động tốt như thế nào. Trong các chỉ số của loại này lại được chia ra các chỉ số “lợi nhuận hoạt động” và ”hiệu quả hoạt động”. Các chỉ số về lợi nhuận hoạt động cho biết tổng thể khả năng sinh lợi của công ty, còn chỉ số về hiệu quả hoạt động cho thấy doanh nghiệp đã sử dụng tài sản hiệu quả đến mức nào?

3. Chỉ số rủi ro: Bao gồm chỉ số rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính. Rủi ro kinh doanh liên quan đến sự thay đổi trong thu nhập ví dụ như rủi ro của dòng tiền không ổn định qua các thời gian khác nhau. Rủi ro tài chính là rủi ro liên quan đến cấu trúc tài chính của công ty, ví dụ như việc sử dụng nợ.

4. Chỉ số tăng trưởng tiềm năng: Đây là các chỉ số cực kỳ có ý nghĩa với các cổ đông và nhà đầu tư để xem xét xem công ty đáng giá đến đâu và cho phép các chủ nợ dự đoán được khả năng trả nợ của các khoản nợ hiện hành và đánh giá các khoản nợ tăng thêm nếu có.


I. CHỈ SỐ THANH TOÁN

1. Chỉ số thanh toán hiện hành (Current Ratio).

Đây là chỉ số đo lường khả năng doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Nói chung thì chỉ số này ở mức 2-3 được xem là tốt. Chỉ số này càng thấp ám chỉ doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đối với việc thực hiện các nghĩa vụ của mình nhưng một chỉ số thanh toán hiện hành quá cao cũng không luôn là dấu hiệu tốt, bởi vì nó cho thấy tài sản của doanh nghiệp bị cột chặt vào “tài sản lưu động” quá nhiều và như vậy thì hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp là không cao.

Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản lưu động/ Nợ ngắn hạn

2. Chỉ số thanh toán nhanh (Quick Ratio)

Chỉ số thanh toán nhanh đo lường mức thanh khoản cao hơn. Chỉ những tài sản có tính thanh khoản cao mới được đưa vào để tính toán. Hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác được bỏ ra vì khi cần tiền để trả nợ, tính thanh khoản của chúng rất thấp.

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền + Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) / Nợ ngắn hạn

3. Chỉ số tiền mặt

Chỉ số tiền mặt cho biết bao nhiêu tiền mặt và chứng khoán khả mại của doanh nghiệp để đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Nói cách khác nó cho biết, cứ một đồng nợ ngắn hạn thì có bao nhiêu tiền mặt và chứng khoán khả mại đảm bảo chi trả.

Chỉ số tiền mặt = (Tiền mặt + Chứng khoán khả mại)/ Nợ ngắn hạn

4. Chỉ số dòng tiền từ hoạt động (Short-term debt coverage)

Các khoản phải thu ít và giới hạn vòng quay hàng tồn kho có thể làm cho thông tin nhà các chỉ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh không thật sự mang ý nghĩa như kỳ vọng của các nhà sử dụng báo cáo tài chính. Bởi vậy chỉ số dòng tiền hoạt động lúc này lại là một chỉ dẫn tốt hơn đối với khả năng của công ty trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn với tiền mặt có được từ hoạt động

Chỉ số dòng tiền hoạt động = Dòng tiền hoạt động/ Nợ ngắn hạn

5. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu (Accounts Receivable Turnover)

Đây là một chỉ số cho thấy tính hiệu quả của chính sách tín dụng mà doanh nghiệp áp dụng đối với các bạn hàng. Chỉ số vòng quay càng cao sẽ cho thấy doanh nghiệp được khách hàng trả nợ càng nhanh. Nhưng nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành mà chỉ số này vẫn quá cao thì có thể doanh nghiệp sẽ có thể bị mất khách hàng vì các khách hàng sẽ chuyển sang tiêu thụ sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh cung cấp thời gian tín dụng dài hơn. Và như vậy thì doanh nghiệp chúng ta sẽ bị sụp giảm doanh số. Khi so sánh chỉ số này qua từng năm, nhận thấy sự sụt giảm thì rất có thể là doanh nghiệp đang gặp khó khăn với việc thu nợ từ khách hàng và cũng có thể là dấu hiệu cho thấy doanh số đã vượt quá mức.

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh số thuần hàng năm/ Các khoản phải thu trung bình

Trong đó: Các khoản phải thu trung bình = (Các khoản phải thu còn lại trong báo cáo của năm trước và các khoản phải thu năm nay)/2

6. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu

Cũng tương tự như vòng quay các khoản phải thu, có điều chỉ số này cho chúng ta biết về số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng

Số ngày trung bình = 365/ Vòng quay các khoản phải thu

7. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Chỉ số này thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho hiệu quả như thế nào. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều trong doanh nghiệp. Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu nhìn thấy trong báo cáo tài chính, khoản mục hàng tồn kho có giá trị giảm qua các năm. Tuy nhiên chỉ số này quá cao cũng không tốt vì như thế có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất khả năng doanh nghiệp bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần. Thêm nữa, dự trữ nguyên liệu vật liệu đầu vào cho các khâu sản xuất không đủ có thể khiến cho dây chuyền bị ngưng trệ. Vì vậy chỉ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán/ Hàng tồn kho trung bình

Trong đó: Hàng tồn kho trung bình = (Hàng tồn kho trong báo cáo năm trước + hàng tồn kho năm nay)/2

8. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho

Tương tự như vòng quay hàng tồn kho có điều chỉ số này quan tâm đến số ngày.

Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho = 365/ Vòng quay hàng tồn kho

9. 9. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả:

Chỉ số này cho biết doanh nghiệp đã sử dụng chính sách tín dụng của nhà cung cấp như thế nào. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả quá thấp có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên/ Phải trả bình quân

Trong đó:

Doanh số mua hàng thường niên = Giá vốn hàng bán+hàng tồn kho cuối kỳ - Hàng tồn kho đầu kỳ

Phải trả bình quân = (Phải trả trong báo cáo năm trước + phải trả năm nay)/2

10. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả (Account Payable Turnover Ratio)

Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả = 365/ Vòng quay các khoản phải trả

II. CHỈ SỐ HOẠT ĐỘNG

A. LỢI NHUẬN BÁN HÀNG

1. Biên lợi nhuận thuần(Profit Margin)

Chỉ số này cho biết mức lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hoá được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp. Do đó nó thể hiện mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp. Dĩ nhiên là chỉ số này khác nhau giữa các ngành.

Biên lợi nhuận thuần = Lợi nhuận ròng/ Doanh thu thuần

2. Biên lợi nhuận hoạt động(Operating Profit Margin)

Biên lợi nhuận hoạt động = Thu nhập hoạt động/ Doanh thu thuần

Trong đó: Thu nhập hoạt động = Thu nhập trước thuế và lãi vay từ hoạt động kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ

3. Biên EBITDA (Earnings before interest, taxes, depreciation, and amortization)

Biên EBITDA = Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao/ Doanh thu thuần

4. Biên EBIT

Chỉ số này cho biết khả năng hoạt động của hoạt động doanh nghiệp.

Biên lợi nhuận truớc thuế = Thu nhập trước thuế và lãi vay/ Doanh thu

5. Biên lợi nhuận ròng

Biên lợi nhuận ròng = Thu nhập ròng/ Doanh thu

6. Biên lợi nhuận phân phối

Chỉ số này cho biết bao nhiêu doanh thu được phân phối cho các chi phí cố định trong mỗi đơn vị hàng bán ra.

Biên lợi nhuận phân phối = Tổng doanh thu phân phối/ Doanh thu

Trong đó: Doanh thu phân phối = Doanh thu – Chi phí biến đổi

B. LỢI NHUẬN ĐẦU TƯ

1. Tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA)

Chỉ số này đo lường hiệu quả hoạt động của công ty mà không quan tâm đến cấu trúc tài chính

ROA = Thu nhập sau thuế/ Tổng tài sản

2. Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần thường (ROCE)

Đo lường khả năng sinh lợi đối với các cổ đông thường không bao gồm cổ đông ưu đãi.

ROCE = (Thu nhập ròng - Cổ tức ưu đãi)/ Vốn cổ phần thường

3. Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn cổ phần(ROE)

Đo lường khả năng sinh lơị đối với cổ phần nói chung, bao gồm cả cổ phần ưu đãi.

ROE = Thu nhập ròng/vốn chủ sở hữu

4. Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn (ROTC - Return on Total Capital)

Tổng vốn được định nghĩa là tổng nợ phải trả và vốn cổ phần cổ đông. Chi phí lãi vay được định nghĩa là tổng chi phí lãi vay phải trả trừ đi tất cả thu nhập lãi vay (nếu có). Chỉ số này đo lường tổng khả năng sinh lợi trong hoạt động của doanh nghiệp từ tất cả các nguồn tài trợ

ROTC = (Thu nhập ròng + Chi phí lãi vay)/ Vốn chủ sở hữu.

C. HIỆU QUẢ HOẠT ĐÔNG

1. Vòng quay tổng tài sản

Chỉ số này đo lường khả năng doanh nghiệp tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng tài sản. Chỉ số này bằng 3 có nghĩa là : với mỗi đô la được đầu tư vào trong tổng tài sản, thì công ty sẽ tạo ra được 3 đô la doanh thu. Các doanh nghiệp trong ngành thâm dụng vốn thường có chỉ số vòng quay tổng tài sản thấp hơn so với các doanh nghiệp khác.

Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu thuần/ Tổng tài sản trung bình

2. Vòng quay tài sản cố định

Cũng tương tự như chỉ số vòng quay tổng tài sản chỉ khác nhau và với chỉ số này thì chỉ tính cho tài sản cố định

Vòng quay tài sản cố định = Doanh thu thuần/ Tài sản cố định trung bình

3. Vòng quay vốn cổ phần

Chỉ số này đo lường khả năng doanh nghiệp tạo ra doanh thu từ việc đầu tư vào tổng vốncổ phần (bao gồm cổ phần thường và cổ phần ưu đãi). Ví dụ, tỷ số này bằng 3 có nghĩa là với mỗi đô la đầu tư vào vốn cổ phần, công ty sẽ tạo ra 3 đô la doanh thu.

Vòng quay vốn cổ phần = Doanh thu thuần/ Tổng vốn cổ phần trung bình



I. CHỈ SỐ RỦI RO

Rủi ro kinh doanh được định nghĩa như là rủi ro liên quan đến những biến động trong doanh thu. Để đo lường rủi ro kinh doanh ngưòi ta dùng nhiều phương thức từ đơn giản đến phức tạp.

Phương thức đơn giản:

Bốn chỉ số dưới đây đại diện cho phương thức đơn giản trong việc tính toán các chỉ số rủi ro kinh doanh. Rủi ro kinh doanh là rủi ro mà công ty có thể kiếm được ít tiền hơn hoặc tệ hơn là mất tiền khi doanh số giảm xuống. Trong một môi trường có doanh số đang trên đà sụp giảm, một công ty có thể thua lỗ nếu công ty ấy sử dụng chi phí cố định quá nhiều. Nếu phần lớn chi phí trong công ty chỉ là chi phí biến đổi thì nó sẽ ít khi nào rơi vào tình trạng trên. Tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng chi phí cố định và chi phí biến đổi. Do vậy việc hiểu được cấu trúc chi phí cố định của doanh nghiệp thật sự là điều cần thiết khi đánh giá rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp đó. Một vài chỉ số thường được sử dụng là:

1. Chỉ số biên lợi nhuận phân phối

Chỉ số này cho biết phần lợi nhuận tăng thêm từ sự thay đổi của mỗi đô la trong doanh thu. Nếu chỉ số biên phân phối lợi nhuận của công ty bằng 20%, sau đó nếu có sự sụp giảm $50.000 trong doanh thu thì sẽ có sự sụp giảm $10.000 trong lợi nhuận

Biên phân phối = 1 - (Chi phí biến đổi/ doanh thu)

2. Mức độ ảnh hưởng của đòn bẩy kinh doanh (Operating Leverage Effect)

Chỉ số đòn bẩy kinh doanh được sử dụng để dự đoán bao nhiêu phần trăm thay đổi trong thu nhập và tỷ suất sinh lợi trên tài sản đối với mỗi phần trăm thay đổi trong doanh thu.

Nếu doanh nghiệp có OLE lớn hơn 1 thì sau đó đòn bẩy kinh doanh vẫn được duy trì. Nếu OLE bằng 1, sau đó tất cả các chi phí là biến đổi, vì vậy cứ 10% gia tăng trong doanh thu, thì ROA của công ty cũng gia tăng 10%

Chỉ số ảnh hưởng đòn bẩy kinh doanh (OLE) = Chỉ số Biên lợi nhuận phân phối/ % thay đổi trong thu nhập (ROA)

3. Mức độ ảnh hưởng đòn bẩy tài chính (Financial LeverageEffect)

Công ty sử dụng nợ để tài trợ cho các hoạt động, do đó sẽ tạo nên ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính và gia tăng tỷ suất sinh lợi cho các cổ đông, thể hiện rủi ro kinh doanh tăng thêm khi doanh thu thay đổi.

FLE = Thu nhập hoạt động/ Thu nhập thuần

Nếu một công ty có FLE bằng 1.33 thì, khi thu nhập hoạt động gia tăng 50% sẽ tạo nên sự gia tăng 67% trong thu nhập ròng.

4. Chỉ số hiệu ứng đòn bẩy tổng thể (Total Leverage Effect)

Kết hợp giữa OLE và FLE, ta có hiệu ứng đòn bẩy tổng thể (TLE).

TLE được xác định bằng: TLE = OLE x FLE

Trong ví dụ trước, doanh số gia tăng $50.000, OLE bằng 20% và FLE bằng 1.33. Chỉ số hiệu ứng đòn bẩy tồng thể bằng $13,333, ví dụ, thu nhập ròng sẽ tăng $13.33 cho mỗi $50.000 doanh thu tăng thêm.

CHỈ SỐ RỦI RO TÀI CHÍNH

Các chỉ số về rủi ro tài chính liên quan đến cấu trúc tài chính của công ty

Phân tích việc sử dụng nợ của công ty:

1. Tỷ số nợ trên tổng vốn

Chỉ số này cho thấy tỷ lệ nợ được sử dụng trong tổng cấu trúc vốn của công ty. Tỷ số nợ trên vốn lớn ám chỉ rằng các cổ đông đang thực hiện chính sách thâm dụng nợ và và do đó làm cho công ty trở nên rủi ro hơn.

Nợ trên tổng vốn = Tổng nợ/ Tổng vốn

Trong đó:

Tổng nợ = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn

Tổng vốn = Tổng nợ + Tổng vốn chủ sở hữu.

2. Tỷ số nợ trên vốn cổ phần

Nợ trên vốn cổ phần = Tổng nợ/ Tổng vốn cổ phần

Phân tích các chỉ số khả năng thanh toán lãi vay:

1. Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay

Chỉ số này cho biết với mỗi đồng chi phí lãi vay thì có bao nhiêu đồng EBIT đảm bảo thanh toán và được đo lường:

Khả năng thanh toán lãi vay = Thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT)/ Lãi vay

2. Chỉ số khả năng thanh toán các chi phí tài chính cố định

Trong doanh nghiệp ngoài lãi vay thì còn một số chi phí tài chính cố định khác như chi phí thuê tài chính, thuê hoạt động,...

Chỉ số khả năng thanh toán các chi phí tài chính cố định = Thu nhập trước các chi phí tài chính cố định/ Chi phí tài chính cố định

3. Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả lãi vay

Dòng tiền hoạt động điều chỉnh được định nghĩa là dòng tiền hoạt động + chi phí tài chính cố định + thuế phải trả

Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả lãi vay = Dòng tiền hoạt động điều chỉnh/ Chi phí lãi vay

4. Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả các chi phí tài chính cố định

Khả năng tiền mặt đảm bảo chi trả các chi phí tài chính cố định = Dòng tiền hoạt động điều chỉnh / Chi phí tài chính cổ định

5. Chỉ số chi tiêu vốn

Chỉ số này cho biết thông tin bao nhiêu tiền mặt được tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp sẽ được để lại sau khi thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của chi tiêu vốn để phục vụ cho các khoản nợ của công ty. Nếu chỉ số này bằng 2, có nghĩa là công ty đang hoạt động bằng 2 lần so với những gì nó thật sự cần để tái đầu tư cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, phần thặng dư có thể được phân bổ để trả bớt nợ.

Chỉ số chi tiêu vốn = Dòng tiền hoạt động/ Chi tiêu vốn.

6. Chỉ số dòng tiền với nợ

Chỉ số này cung cấp thông tin cho biết bao nhiêu tiền mặt của công ty tạo ra từ hoạt động có thể được sử dụng để trả tổng nợ.

Chỉ số dòng tiền so với nợ = Dòng tiền từ hoạt động/ Tổng nợ

II. CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG TIỀM NĂNG

Chỉ số tăng trưởng: G = RR x ROE

Trong đó:

RR = Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại = 1 - (Cổ tức/ Tổng thu nhập ròng)

ROE = Thu nhập ròng/ Tổng vốn chủ sở hữu = (Thu nhập ròng/ Doanh thu) * (Doanh thu/ Tổng tài sản) * (Tổng tài sản/ Vốn cổ phần)

Trên đây là một số các chỉ số tài chính cơ bản nhằm đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh cũng như khả năng tài chính và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý rằng các chỉ số đứng một mình thì nó cũng không có nhiều ý nghĩa. Các nhà phân tích khi sử dụng các chỉ số tài chính cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác thí dụ như:

  • Chỉ số trung bình ngành:So sánh công ty với trung bình ngành là dạng so sánh phổ biến hay gặp

  • So sánh trong bối cảnh chung của nền kinh tế:Đôi khi cần phải nhìn tổng thể chu kỳ kinh tế, điều này sẽ giúp nàh phân tích hiểu và dự đoán được tình hình công ty trong các điều kiện thay đổi khác nhau của nền kinh tế, ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái.

  • So sánh với kết quả hoạt động trong quá khứ của doanh nghiệp:đây cũng là dạng so sánh thường gặp. So sánh dạng này tương tự như phân tích chuỗi thời gian để nhìn ra khuynh hướng cho các chỉ số.

Nguồn: INVESTOPEDIA

17 views0 comments

Yorumlar


bottom of page