Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính quan trọng giúp người đọc (nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp…) có thể theo dõi “sức khỏe” của một doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.
1. Bảng cân đối kế toán là gì?
Bảng cân đối kế toán là một loại báo cáo tài chính phản ánh tổng quát giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản của một doanh nghiệp tại một thời điểm (3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm).
Bảng cân đối kế toán gồm hai phần chính là Tài sản và Nguồn vốn. Trong đó, tổng giá trị tài sản luôn luôn bằng tổng giá trị nguồn vốn tại một thời điểm. Khoản mục Tài sản được chia làm hai phần gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, khoản mục Nguồn vốn gồm nợ phải trả và vốn chủ hữu.
2. Các chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán.
Bảng cân đối kế toán là một tài liệu quan trọng phản ánh “sức khỏe” của một doanh nghiệp do nó thể hiện được tình hình tài sản hiện có của doanh nghiệp đang nắm giữ được phân bổ vào đâu. Các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính như thế nào? nợ vay ra sao? vốn chủ sỡ hữu có gia tăng qua các thời kỳ hay không?
Trong đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ xem xét kĩ lưỡng bảng cân đối kế toán để tìm ra các cổ phiếu của doanh nghiệp tốt thông qua một số chỉ số phân tích về cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn hay khả năng thanh toán.
Phân tích cơ cấu tài sản.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn được tính toán tổng quát bằng cách lấy các khoản mục nhỏ như tài sản ngắn hạn/tài sản dài hạn chia cho tổng tài sản. Ngoài ra, các chỉ tiêu khác có thể tính đến như tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho trên tài sản ngắn hạn hay phải thu dài hạn trên tài sản dài hạn.
Đưa ra cơ cấu tài sản giúp người phân tích nhìn nhận được tỷ trọng phân bổ các loại tài sản trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp nhằm đưa ra các nhận xét hợp lý.
Việc xem xét này cũng cần dựa theo đặc tính ngành nghề của doanh nghiệp đó. Ví dụ, các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, thép, may mặc thông thường có khoản mục hàng tồn kho lớn do tính lưu trữ hàng hóa, thành phẩm và mua vụ kinh doanh; các doanh nghiệp bất động sản sẽ có khoản mục phải thu lớn do chính sách bán hàng trả chậm ...
Phân tích cơ cấu nguồn vốn.
Cơ cấu nguồn vốn được xem xét tổng quát bằng cách lấy các khoản mục nợ phải trả hay vốn chủ sở hữu chia cho tổng nguồn vốn. Từ việc này, người phân tích sẽ tìm ra được nguồn hình thành của các loại tài sản đến từ đâu, khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của doanh nghiệp nếu vay nợ quá cao.
Nguồn: Theo thị trường tài chính Việt Nam
コメント