top of page
HUYNH

THỦ THUẬT ĐỌC BCTC CHUYÊN NGHIỆP

Updated: Nov 30, 2023



I. Khái quát về báo cáo tài chính

Với những người làm trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán thì việc tiếp xúc với báo cáo tài chính diễn ra rất thường xuyên, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ những định nghĩa cơ bản có liên quan tới chủ đề này. Mặt khác, muốn đọc và hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp nhanh nhất thì những khái niệm này là không thể bỏ qua.

1. Báo cáo tài chính là gì?

Trong số tất cả các loại báo cáo trong lĩnh vực kế toán nói chung thì báo cáo tài chính được coi là bản tổng hợp đầy đủ nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin liên quan tới tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận và kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp đó. Nói như vậy cũng có nghĩa là báo cáo tài chính là tổng hợp của bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán, có thể là hàng tháng, hàng quý và cũng có thể là hàng năm. Đây được coi là một phương tiện trình bày rõ nét nhất về khả năng sinh lời của một công ty cũng như tình hình tài chính hiện tại của công ty đó, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của các nhà quản lý, người cho vay, các nhà đầu tư và cả cơ quan chức năng…

2. Báo cáo tài chính bao gồm những gì?

Là một phương tiện trình bày tình hình tài chính của doanh nghiệp tổng hợp và bao quát nhất nên một bộ báo cáo tài chính đầy đủ sẽ được phân ra thành nhiều mẫu báo cáo khác nhau sử dụng cho từng mục đích và đối tượng cụ thể. Những bản báo cáo này bao gồm báo cáo của Ban Giám đốc công ty, công ty kiểm toán độc lập, bảng cân đối kế toán trong kỳ, báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ và tất nhiên không thể thiếu đó chính là bản thuyết minh báo cáo tài chính đi kèm.

II. Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính

Hiện nay có rất nhiều thủ thuật đọc báo cáo tài chính được sử dụng từ cơ bản đến nâng cao khiến cho những kế toán viên mới vào nghề cảm thấy hoang mang khi không biết phải bắt đầu từ đâu và đọc báo cáo tài chính như thế nào cho đúng. Có không ít thông tin quảng cáo về phương pháp đọc báo cáo tài chính trong 1 phút, tuy nhiên theo những chuyên gia có kinh nghiệm đọc báo cáo tài chính lâu năm thì họ khẳng định với lượng thông tin khổng lồ như vậy thì việc đọc hết một bộ báo cáo trong thời gian ngắn cũng là điều không thể, chưa nói đến việc hiểu và phân tích. Do vậy, khi mới bắt đầu tự học cách đọc báo cáo tài chính thì bạn hãy tuân thủ theo đúng trình tự trong hướng dẫn đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp sau đây của chúng tôi để đảm bảo tính chính xác, khách quan và kết quả phân tích sát nhất với tình hình tài chính của doanh nghiệp.

1. Xem ý kiến của kiểm toán viên

Có không ít người khi đọc báo cáo tài chính vì quá vội vàng nên đã bỏ qua bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong cách đọc báo cáo tài chính nhanh đó chính là xem ý kiến của kiểm toán viên. Bởi dù cho bản báo cáo tài chính có chuyên sâu và phân tích khách quan như thế nào nhưng những số liệu sử dụng trong đó không được kiểm toán viên công nhận về tính trung thực và hợp lý thì tất cả đều không có giá trị. Thông thường sẽ có 4 mức độ chấp nhận theo thứ tự giảm dần về tính trung thực của số liệu sử dụng trong báo cáo tài chính theo ý kiến của kiểm toán viên, bao gồm chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận và từ chối. Ví dụ khi đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp thì phần nhận xét sau đây của kiểm toán viên là ở mức độ chấp nhận toàn phần:

Lưu ý, khi đọc báo cáo tài chính của một công ty nào đó mà ý kiến của kiểm toán viên là từ chối thì bạn không được phép sử dụng để phân tích bởi những số liệu được sử dụng trong đó là hoàn toàn không có giá trị và không được công nhận.

2. Đọc hiểu bảng cân đối kế toán

Đối với doanh nghiệp thì việc đọc hiểu bảng cân đối kế toán là khâu cực kỳ quan trọng trong cách đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Có một câu nói rất nổi tiếng đó chính là “Bảng cân đối kế toán cho bạn biết tại thời điểm này thì mọi thứ đang ở đâu”. Nhìn vào đó bạn có thể đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định nào đó, phổ biến nhất chính là cuối tháng và cuối quý.

Kết cấu của bảng cân đối kế toán sẽ bao gồm 2 phần chính là Tài sản và Nguồn vốn với tổng giá trị luôn luôn bằng nhau theo phương trình kế toán. Theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 01 thì tài sản là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Trong khi đó, nguồn vốn là những quan hệ tài chính mà thông qua đó doanh nghiệp có thể khai thác hoặc huy động một số tiền nhất định để đầu tư tài sản, bao gồm nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu.

a. Tài sản

Điều kiện để ghi nhận Tài sản của doanh nghiệp khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát lâu dài của doanh nghiệp đó và đồng thời chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, giá phí của tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy.

Tài sản ngắn hạn: Là những loại tài sản dễ dàng có thể chuyển đổi sang tiền mặt trong vòng 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản ngắn hạn bao gồm các khoản mục như tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng), các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (cổ phiếu, trái phiếu ngắn hạn hoặc góp vốn liên doanh ngắn hạn có thời gian thu hồi vốn dưới 1 năm), các khoản phải thu, hàng tồn kho và các loại tài sản ngắn hạn khác (tạm ứng, đặt cọc, ký cược, ký quỹ ngắn hạn…)

Tài sản dài hạn: Tài sản dài hạn của doanh nghiệp được chia thành các mục chính là các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, bất động sản đầu tư và các tài sản dài hạn khác. Trong đó, tài sản cố định được coi là khoản mục quan trọng nhất của tài sản dài hạn với điều kiện ghi nhận thỏa mãn đồng thời 3 yếu tố: Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, có thời hạn sử dụng trên 1 năm và nguyên giá được xác định một cách đáng tin cậy với giá trị trên 30 triệu đồng. Trong tài sản cố định của doanh nghiệp lại được chi thành tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải…) và tài sản vô hình (bằng phát minh sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản quyền và quyền thực hiện hợp đồng…)

b. Nguồn vốn

Khác với tài sản, nguồn vốn được hiểu là các quan hệ về tài chính giúp cho doanh nghiệp có thể khai thác và huy động một số tiền nhất định để đầu tư tài sản. Nói cách khác thì nguồn vốn chính là nguồn hình thành tài sản. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta có phương trình kế toán Tài sản = Nguồn vốn áp dụng cho mọi bảng cân đối kế toán hiện hành.

Nợ phải trả: Đây là khoản mục được định nghĩa là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện như mua bán hàng hóa hay sử dụng dịch vụ, vay nợ, phải trả công nhân viên và các khoản thuế cần phải thanh toán dựa trên các nguồn lực của mình. Nói cách khác, nợ phải trả được coi là trái quyền đối với tài sản, bao gồm các khoản nợ ngắn hạn (thời hạn thanh toán dưới 1 năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh), các khoản nợ dài hạn (thời hạn thanh toán trên 1 năm hoặc trên 1 chu kỳ kinh doanh).

Vốn chủ sở hữu: Đây được coi là giá trị vốn của doanh nghiệp và được xác định bằng số chênh lệch giữa tổng giá trị tài sản và nợ phải trả theo công thức:

Vốn chủ sở hữu = Tài sản - Nợ phải trả

Vốn chủ sở hữu được chia thành 3 loại là vốn góp (là số tiền do các chủ sở hữu đóng góp ban đầu khi thành lập doanh nghiệp hoặc được bổ sung trong quá trình hoạt động), lợi nhuận chưa phân phối (chênh lệch giữa doanh thu và chi phí của các hoạt động kinh doanh sau khi đã nộp thuế TNDN và trích lập các quỹ khác), các quỹ của doanh nghiệp, các khoản dự trữ theo điều lệ của công ty và các loại vốn khác.

Khi tìm hiểu về cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp, bạn cần tập trung phân tích bảng cân đối kế toán theo trình tự sau:

Liệt kê những mục lớn với tổng giá trị chiếm tỷ trọng cao trong Tài sản - Nguồn vốn của doanh nghiệp.

Tìm hiểu về sự thay đổi của các khoản mục này tại thời điểm báo cáo. Việc làm này sẽ giúp bạn tập trung vào phần lớn tài sản và các nguồn hình thành tài sản chủ yếu của doanh nghiệp, từ đó rút ngắn thời gian đọc hiểu báo cáo tài chính và đưa ra nhận định chính xác nhất.

Bên cạnh đó, một cách đọc báo cáo tài chính của công ty rất hiệu quả giúp bạn phát hiện rủi ro của doanh nghiệp chỉ thông qua bảng cân đối kế toán đó chính là cân đối tài chính. Theo đó, các tài sản dài hạn đều cần phải được tài trợ và hình thành từ nguồn vốn dài hạn tương ứng. Nếu một công ty có tài sản dài hạn 15 năm được tài trợ từ nguồn vốn 5 năm nhất định sẽ gặp phải rủi ro tiềm ẩn và gây áp lực cho khả năng thanh toán trong tương lai. Một công cụ rất hữu hiệu để bạn sớm phát hiện điều này đó chính là Vốn lưu động thuần:

Vốn lưu động thuần = Tài sản ngắn hạn - Nợ ngắn hạn

Nếu một công ty có vốn lưu động thuần <0 hoặc đang có xu hướng giảm thì đây là dấu hiệu của sự mất cân bằng tài chính trong tương lai bởi ở thời điểm hiện tại, công ty đó đang dùng nợ ngắn hạn để thanh toán và tài trợ cho các tài sản dài hạn.

3. Đọc hiểu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Muốn tìm hiểu về cách đọc hiểu báo cáo tài chính nhanh và hiệu quả thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là loại báo cáo thể hiện tình hình kinh doanh của công ty trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm…) thông qua việc báo cáo về tình hình doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó. Thông qua báo cáo này, người đọc có thể đánh giá được sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp trong thời kỳ báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chia các hoạt động của một doanh nghiệp thành 3 lĩnh vực chính là hoạt động cốt lõi (hoạt động kinh doanh chính), hoạt động tài chính và các hoạt động khác.

a. Hoạt động cốt lõi

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp được xác định dựa trên các tiêu chí như doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu từ hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp và thường chiếm tỷ trọng cao nhất), giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp (=Doanh thu thuần từ BH & CCDV - GVHB), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Để xác định được tính ổn định và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, ta sử dụng chỉ số tỷ suất lợi nhuận thu được từ hoạt động bán hàng và CCDV thông qua biên lợi nhuận gộp theo công thức:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần về bán hàng và CCDV

Biên lợi nhuận gộp cho kết quả càng cao thì doanh nghiệp càng hoạt động ổn định trong dài hạn và có lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.

b. Hoạt động tài chính

Hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính được xác định trên 2 nội dung chính là doanh thu tài chính (lãi tiền gửi, lãi đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá…) và chi phí tài chính (chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, các khoản dự phòng đầu tư tài chính…). Trong đó, nếu trong kỳ kế toán của doanh nghiệp có 2 khoản mục là chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá thì bạn cần đặc biệt chú ý để xác định chính xác lợi nhuận thuần theo công thức:

Lợi nhuận thuần = Doanh thu - chi phí lãi vay - lỗ do chênh lệch tỷ giá

Từ đây bạn có thể dễ dàng xác định mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo công thức:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận thuần + Doanh thu TC - Chi phí TC - Chi phí bán hàng và cung cấp dịch vụ

c. Hoạt động khác

Thông thường trong một kỳ kế toán thì các hoạt động khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ hoặc không xuất hiện trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động khác bao gồm các hoạt động không thường xuyên đem lại doanh thu hoặc chi phí của doanh nghiệp như thanh lý, nhượng bán tài sản cố định hoặc bồi thường hợp đồng. Để xác định lợi nhuận trong các hoạt động này, bạn chỉ cần lấy doanh thu có được từ các hoạt động đó trừ đi chi phí phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp.

Từ đây, để xác định được tổng lợi nhuận trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp thì bạn chỉ cần cộng gộp tất cả các khoản mục lợi nhuận đã tính toán theo từng mảng riêng biệt. Lợi nhuận sau thuế là mức lợi nhuận mà khi đọc hiểu báo cáo tài chính cần quan tâm nhất, được xác định là khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cũng như các cổ đông trong công ty.

Muốn đọc hiểu nhanh báo cáo kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể, trước hết bạn cần phân tích riêng các khoản doanh thu và chi phí trong báo cáo. Sau đó, làm tương tự như bảng cân đối kế toán, bạn hãy xác định tỷ trọng của từng loại doanh thu trong tổng doanh thu, cũng như tỷ trọng của từng loại chi phí trong tổng chi phí và quan sát sự thay đổi của những khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất và biến động nhiều nhất, từ đó đưa ra nhận định.

4. Đọc hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường không được xem trọng khi đọc báo cáo tài chính bởi các khoản doanh thu và chi phí đã được kê khai rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi báo cáo lưu chuyển tiền tệ trình bày thông tin cụ thể về từng luồng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh, luồng tiền từ hoạt động đầu tư và luồng tiền từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Đây là loại báo cáo cực kỳ quan trọng không chỉ với các nhà đầu tư bên ngoài mà còn quan trọng với các nhà quản trị doanh nghiệp, cho thấy khả năng tạo tiền, tình hình sử dụng tiền và khả năng thanh toán công nợ cũng như đánh giá được cả những rủi ro tiềm tàng từ tình hình tài chính.

Nếu chỉ nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh thì chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà đầu tư bị đánh lừa bởi chỉ số doanh thu cao và mức lợi nhuận hấp dẫn, tuy nhiên tính ổn định trong dài hạn và khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp lại không được thể hiện một cách rõ nét, dẫn tới việc định giá sai và từ đó có những quyết định đầu tư sai lầm.

Chính bởi lý do này nên khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bạn không được phép bỏ qua bất cứ dòng tiền nào trong các hoạt động của doanh nghiệp. Cần lưu ý, trong 3 nhóm hoạt động chính của bất cứ một doanh nghiệp nào thì nhóm hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính đều mang bản chất là tăng ở kỳ hiện tại và sẽ giảm trong tương lai hoặc ngược lại. Một khoản vay có giá trị 10 tỷ ở kỳ hiện tại thì trong tương lai sẽ có khoản nợ dài hạn 10 tỷ phải thanh toán. Một doanh nghiệp mua sắm tài sản cố định ở kỳ hiện tại thì chắc chắn sẽ có khoản thanh lý trong tương lai. Ngoài ra, trọng tâm cần nghiên cứu nhiều nhất đó chính luồng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nó sẽ thể hiện khả năng tạo ra tiền trên thực tế của doanh nghiệp. Điều cuối cùng mà bạn cần lưu ý khi đọc hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ đó chính là việc các khoản tiền bị giảm chưa hẳn đã là một tín hiệu xấu, đó có thể là do doanh nghiệp đã thanh toán các khoản nợ phải trả hoặc dùng tiền để đầu tư nhằm tạo ra lợi nhuận.

5. Đọc hiểu thuyết minh báo cáo tài chính

Phần thuyết minh báo cáo tài chính sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua hệ thống các số liệu chi tiết và những thông tin cần thiết. Trước hết sẽ là tìm hiểu về doanh nghiệp thông qua các thông tin về đặc điểm hoạt động, kỳ kế toán cũng như các chuẩn mực và chính sách kế toán mà doanh nghiệp áp dụng. Thông qua thuyết minh báo cáo tài chính, bạn sẽ trả lời được câu hỏi ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp là gì, doanh nghiệp hoạt động từ bao giờ và các chính sách, chuẩn mực kế toán được doanh nghiệp áp dụng ra sao. Với từng ngành nghề khác nhau thì mỗi con số trên báo cáo tài chính cũng mang ý nghĩa khác nhau. Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất với nhiều nhà xưởng và trang thiết bị cùng dây chuyền sản xuất sẽ có lượng tài sản cố định rất lớn. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn tìm đúng trọng tâm của báo cáo tài chính và đưa ra nhận định chính xác nhất.

Thứ hai, việc kết hợp đọc hiểu thuyết minh báo cáo tài chính với bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giúp bạn tìm ra lý do của những khoản mục có sự biến động lớn trong kỳ kế toán, giúp cho những nhận định của bạn được khách quan và sát với thực tế.

6. Phân tích khả năng thanh toán

Doanh nghiệp cần phải duy trì được một lượng vốn luân chuyển hợp lý để đáp ứng khả năng thanh toán kịp thời, duy trì hàng tồn kho đảm bảo cho khâu sản xuất, kinh doanh được diễn ra liên tục. Có thể nói khả năng thanh toán quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, vì thế đây được coi là một cách đọc báo cáo tài chính chứng khoán và cách đọc báo cáo tài chính của ngân hàng rất hiệu quả. Các chỉ số giúp bạn dễ dàng phân tích được khả năng thanh toán của một doanh nghiệp bao gồm hệ số khả năng thanh toán hiện hành, hệ số khả năng thanh toán lãi vay, hệ số vòng quay các khoản phải thu và hệ số vòng quay hàng tồn kho.

7. Phân tích đòn bẩy tài chính

Việc xác định tỷ trọng nợ trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hệ số nợ sẽ giúp bạn đánh giá được khả năng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp đó. Với các doanh nghiệp có hệ số nợ thấp nghĩa là mức độ an toàn ở mức cao và rủi ro tài chính thấp. Ngược lại với các doanh nghiệp có hệ số nợ ở mức cao thì mức độ rủi ro tài chính cũng ở mức cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá sản do không đảm bảo được khả năng thanh toán.

8. Phân tích khả năng sinh lời

Các doanh nghiệp hoạt động đều với mục đích tạo ra lợi nhuận. Do đó để đánh giá được hiệu quả của quá trình sản xuất kinh doanh cũng như toàn bộ quá trình đầu tư của doanh nghiệp thì chúng ta nên phân tích khả năng sinh lời thông qua tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS). Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các chỉ số khác như Biên lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu và mức thu nhập của một cổ phần thường. Những chỉ số này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát và toàn diện nhất về khả năng sinh lời của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính.

9. Phân tích dòng tiền

Để đánh giá được năng lực tài chính cũng như chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp thì chúng ta có thể sử dụng phương pháp phân tích dòng tiền thông qua các chỉ số như dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và tỷ suất dòng tiền tự do. Nhờ các chỉ số này, bạn có thể dễ dàng phân tích xu hướng dòng tiền để loại bỏ sự biến động của dòng tiền trong một thời điểm cụ thể. Ngoài ra, việc quan sát dòng tiền trong một giai đoạn dài cũng sẽ giúp bạn xác định được doanh nghiệp đang ở chu kỳ kinh doanh nào, từ đó giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định có nên tài trợ vốn cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại hay không.

Trên đây là những thông tin hướng dẫn kỹ năng đọc báo cáo tài chính rất hiệu quả cho người mới bắt đầu cùng những lưu ý khi đọc báo cáo tài chính mà bạn cần quan tâm.

Nguồn: Tổng hợp.

4 views0 comments

Kommentare


bottom of page